Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục tỉnh chủ động xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục huyện, thành phố về chuyên môn, nghiệp vụ triển khai phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Từ năm 2016 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục huyện đã ban hành 14 văn bản hướng dẫn sử dụng Hệ thống thông tin điện tử quản lý phổ cập giáo dục, hướng dẫn điều tra, thống kê, lập hồ sơ phổ cập giáo dục nầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xóa mù chữ. Tổ chức 02 đợt tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xóa mù chữ.
Công tác tuyên truyền về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được triển khai sâu rộng tới cán bộ và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú. Ngành Giáo dục và Đào tạo đăng trên 30 tin bài về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên các website của ngành. Đài PTTH tỉnh vá các huyện thành phố, Báo Hà Nội với trên 60 tin bài, phóng sự tuyên truyền về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Các hội nghị của ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành phố như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Ban Tuyên giáo, Phòng Văn hóa - Thông tin... triển khai công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tới các thành viên thuộc lĩnh vực quản lý và tuyên truyền nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm, quyền lợi cho mọi người thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Nhiều địa phương đã sử dụng các bảng tin, loa phóng thanh tổ chức thông tin, tuyên truyền giúp cho việc thông báo và vận động người dân tham gia công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đạt hiệu quả. Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nên các mục tiêu, chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Công tác điều tra, lập hồ sơ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được Ban Chỉ đạo các cấp quan tâm chỉ đạo, thực hiện, toàn huyện huy động trên 3.700 cán bộ, giáo viên tham gia điều tra phổ cập và trên 700 cán bộ, giáo viên tham gia tổng hợp số liệu cập nhật lên Hệ thống thông tin điện tử phổ cập giáo dục, xóa mù chữ với 198 hộ dân, 864.434 nhân khẩu, đạt tỷ lệ 100%. Công tác điều tra có sự phối hợp tốt giữa các ban, ngành, đoàn thể của xã, phường, thị trấn; giữa trường mầm non, tiểu học và THCS đặc biệt có sự tham gia nhiệt tình của các trưởng thôn, bản, tổ dân phố và người dân nên việc cung cấp thông tin được tiến hành thuận lợi.
Nhằm tiếp tục tăng cường công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, các đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Các ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo chức năng riêng của từng ngành. Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Gắn kết tuyên truyền phổ cập giáo dục, xóa mù chữ với việc xây dựng xã hội học tập và các phong trào thi đua của địa phương. Đổi mới công tác quản lý, tổ chức lớp học bổ túc, lớp học xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Củng cố bền vững kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, hạn chế người bỏ học và người mù chữ trở lại. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.