Phản ứng thông thường là chủ yếu
Theo dự kiến của Bộ Y tế, trong tháng 4-2022 sẽ có hơn 7 triệu liều vắc xin về Việt Nam. Hiện đã có gần 1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã về đến nơi, do Australia hỗ trợ. Ngay sau khi vắc xin được nhập về, Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm định và phân bổ cho các địa phương. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến hoàn thành trong quý II/2022.
Về việc này, PGS.TS Dương Thị Hồng, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, cả nước có hơn 11,8 triệu trẻ em trong độ tuổi tiêm vắc xin đợt này. Chiến dịch tiêm chủng sẽ được thực hiện tại các trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định hoặc lưu động. Ngành Y tế sẽ triển khai tiêm trước cho nhóm trẻ lớn từ 11 tuổi (học lớp 6) và hạ dần độ tuổi. Các địa phương triển khai tiêm cuốn chiếu theo trường, theo địa bàn căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vắc xin được cung ứng.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, ngành Y tế đã tiến hành tập huấn an toàn tiêm chủng và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng. Trẻ sẽ được tiêm hai mũi vắc xin cùng loại, không tiêm trộn.
Về nỗi lo của phụ huynh học sinh về phản ứng sau tiêm của trẻ, theo PGS.TS Dương Thị Hồng, việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi cho thấy, chỉ có 0,5% - 10% số trẻ được ghi nhận tiêm chủng có phản ứng thông thường. Trong hơn 17 triệu mũi đã tiêm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương ghi nhận 5 trường hợp trên 1 triệu liều vắc xin dẫn đến phản ứng nặng, phải quay trở lại cơ sở y tế để điều trị. Nếu so sánh với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng như của nhà sản xuất, phản ứng sau tiêm của trẻ em Việt Nam nhẹ hơn so với số liệu đã ghi nhận.
“Lá chắn” bảo vệ trẻ em
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 giúp giảm nguy cơ lây nhiễm và tỷ lệ trẻ phải nhập viện do diễn biến nặng cũng như tử vong, nhất là ở các trường hợp có bệnh nền, béo phì. Việc tiêm vắc xin giúp giảm tỷ lệ xuất hiện di chứng hậu Covid-19, hạn chế nguy cơ liên quan tới biến chủng mới trong tương lai.
Để bảo đảm an toàn cho trẻ sau tiêm, theo TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc khuyến cáo, sau khi tiêm, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời đối với các phản ứng nghiêm trọng (nếu có)... Đồng thời, các gia đình cần theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ trong vòng 28 ngày sau khi tiêm. Trẻ cần có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19; không cho trẻ dùng các loại đồ uống gây kích thích ít nhất trong ba ngày đầu sau khi tiêm chủng; bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ. Nếu thấy trẻ bị sưng đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm thì cần theo dõi chặt chẽ, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay; không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng, đau. Trẻ cũng không cần trì hoãn lịch tiêm chủng các loại vắc xin khác, đồng thời không dừng các thuốc trị bệnh mà trẻ đang uống. Để thuận tiện cho việc tiêm chủng, phụ huynh cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm; mang theo sổ tiêm chủng của trẻ để nhân viên nắm được.
TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương cho rằng, sau khi tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi, điều cần quan tâm là các biểu hiện liên quan tới tim mạch, viêm cơ tim. Dù tỷ lệ mắc thấp, chúng ta vẫn phải cảnh giác để sớm phát hiện các triệu chứng như mệt mỏi sau tiêm, nhịp tim nhanh, đau thắt ngực của trẻ.
Cũng theo TS Đỗ Thiện Hải, các khuyến cáo trước đó về việc theo dõi sau tiêm vắc xin cần được đề cao và thực hiện sát sao hơn với trẻ 5 - 11 tuổi. Trong thời gian ít nhất là 3 ngày sau khi tiêm, phụ huynh cần theo sát trẻ để nhận ra các phản ứng, đặc biệt là biểu hiện liên quan tới tim mạch, phản ứng phản vệ hay tình trạng phát ban, tổn thương niêm mạc. Đây là các dấu hiệu cảnh báo trẻ có thể bị tổn thương những cơ quan khác.