Những điều mẹ cần biết về sốt phát ban ở trẻ
Sốt phát ban là căn bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ, dễ lặp đi lặp lại nhiều lần trong năm đồng thời có khả năng lây lan rất nhanh. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không cần phải quá lo lắng. Bằng việc trang bị đầy đủ các kiến thức, cha mẹ sẽ tự tin hơn để giúp con khỏi bệnh nhanh chóng.
Nhận biết các dấu hiệu sớm của sốt phát ban
Sốt phát ban ở trẻ nhỏ thường sẽ trải qua thời gian ủ bệnh khoảng 7 ngày. Bệnh sẽ phát ra bên ngoài sau 1 – 2 tuần với những dấu hiệu rõ ràng hơn, trừ những trường hợp nhẹ sẽ ít biểu hiện hơn. Nhìn chung, bệnh thường có các dấu hiệu sau:
- Sốt: Thường khi mắc bệnh, trẻ sẽ sốt cao và đột ngột. Nhiệt độ cơ thể của bé có thể lên đến 39,5 độ C. Những cơn sốt có thể kéo dài từ 3 – 7 ngày rồi biến mất. Bên cạnh đó là các biểu hiện: sổ mũi, đau họng và viêm họng. Ở cổ bé có thể nhìn thấy các hạch bạch huyết bị sưng lên.
- Phát ban: Phần lớn các trường hợp phát ban sẽ xuất hiện sau những cơn sốt. Da của bé sẽ xuất hiện các đốm đỏ nhỏ. Những vết này thường phẳng nhưng cũng có thể hơi nổi cộm. Một số đốm có thể có một vòng màu trắng bao quanh nó. Những nốt ban này sẽ lan rộng bắt đầu từ sau tai ra mặt, lưng, bụng rồi lan toàn thân.
- Đau đầu: Trẻ lớn sẽ có biểu hiện của đau đầu, đầu hơi nóng. Đối với trẻ nhỏ thường sẽ quấy khóc nhiều.
Những nốt ban hồng, hơi sần là đặc trưng của bệnh sốt phát ban.
Ngoài ra, trẻ bị sốt phát ban có thể kèm theo các biểu hiện:
- Mệt mỏi, quấy khóc liên tục
- Biếng ăn, bỏ bú
- Ho khan
- Nôn, trớ
- Mí mắt sưng, mắt đỏ có gỉ
- Tiêu chảy nhẹ
Con đường lây nhiễm sốt phát ban ở trẻ nhỏ
Bệnh này rất dễ lây nhiễm. Đặc biệt là ở những nơi công cộng như nhà trẻ, trường học,… Khi trẻ bị bệnh hắt hơi, sổ mũi, ho sẽ làm phát tán những tia nước bọt chứa virus bệnh. Và đây là con đường cơ bản khiến bé bị lây bệnh.
Chính thói quen hay ngậm tay, đồ chơi của trẻ là nguyên nhân khiến sốt phát ban lây lan nhanh.
Mỗi trẻ đều sẽ bị sốt phát ban ít nhất một lần trong những năm đầu đời. Những trẻ có sức đề kháng yếu sẽ bị lặp đi lặp lại nhiều lần. Các virus gây bệnh chủ yếu lành tính nên phần lớn trường hợp sẽ tự khỏi sau 5 – 7 ngày nếu được chăm sóc đúng cách. Ngược lại, nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ sau này.
Trẻ bị sốt phát ban cần kiêng ăn gì?
Khi trẻ bị bệnh, mẹ cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho bé. Mẹ nên chọn những loại thực phẩm mềm, dễ tiêu. Đặc biệt cần tăng số lượng rau, củ, quả giàu vitamin C trong bữa ăn. Và mẹ cũng nên tránh cho con ăn những loại thực phẩm sau:
Thực phẩm cay
Hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu, ăn đồ quá cay sẽ khiến dạ dày bị viêm loét, hệ tiêu hóa ngưng trệ, bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.
Thực phẩm nhiều dầu mỡ
Những loại thực phẩm mặn và nhiều dầu mỡ khiến hệ tiêu hóa của bé phải làm việc quá sức.
Các loại thịt đỏ, tôm, cá
Mùi tanh từ cá, tôm dễ khiến dạ dày trẻ phản ứng, gây ra hiện tượng nôn ói. Bên cạnh đó, các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt dê lại quá giàu chất đạm và khó tiêu.
Nước ngọt có gas
Nước ngọt có gas dễ khiến trẻ bị đầy bụng, khó tiêu, chán ăn. Hơn nữa nước ngọt có gas khiến cơ thể trẻ phải hấp thụ cao lượng đường. Làm giảm khả năng diệt khuẩn của bạch cầu, gây cản trở hoạt động miễn dịch trong cơ thể.
Không uống nước lạnh
Nước lạnh có tính hàn khi đi vào cơ thể sẽ khiến trẻ sốt kéo dài, sốt phát ban rất lâu hồi phục.
Nếu trẻ sốt cao liên tục cha mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ.
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Ngay khi nhận thấy trẻ có những biểu hiện sau đây, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời:
- Sốt cao > 39 độ C
- Thời gian sốt phát ban kéo dài > 7 ngày
- Phát ban không có chuyển biến tích cực sau 3 ngày
- Trẻ có kèm theo một vài dấu hiệu như: mệt mỏi, khó thở, phân có máu, chảy mủ tai, co giật,…
Ngoài ra, cha mẹ có thể liên hệ ngay theo hotline 1900 1806 để được giải đáp thắc mắc hoặc đăng ký khám cho trẻ.