Táo bón ở trẻ thường làm cho cha mẹ lo lắng, nguyên nhân táo bón khoảng 95% là do rối loạn tiêu hóa hay còn gọi là táo bón cơ năng, để chữa táo bón cho trẻ loại này thành công, cha mẹ nên có một số thay đổi đúng cách khi chăm sóc cho trẻ, táo bón có thể biến mất khoảng 1 tuần áp dụng.
Táo bón ở trẻ là số lần đi đại tiện ít, có thể 4-5 ngày một lần đối với trẻ sơ sinh hay 3-4 ngày một lần với trẻ nhỏ. Tính chất của phân cứng rắn thành hòn, tình trạng nặng thì như phân dê. Đại tiện khó khăn, trẻ phải ngồi lâu, rặn nhiều, mặt đỏ bừng, có thể kêu khóc do đau rát hậu môn, phân có dính chút máu.
Táo bón ở trẻ là một triệu chứng, nếu thỉnh thoảng mắc phải thì không gây nhiều nguy hại đến sức khỏe mà thường chỉ làm trẻ khó chịu, bụng đầy chướng, hậu môn đau rát khiến trẻ hay quấy khóc, ăn không ngon, chán ăn, chậm hấp thu các chất dinh dưỡng, việc học tập vui chơi bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên nếu trẻ bị táo bón thường xuyên, cha mẹ không có giải pháp chữa trị thì táo bón có thể trở thành mạn tính kéo dài, là cơ sở dễ phát sinh một số bệnh khác như Phình đại tràng, Sa trực tràng, Bệnh trĩ, hoặc nhiễm độc mạn tính do các chất độc trong phân không được đào thải ra ngoài có thể xâm nhập trở lại cơ thể qua đường tiêu hóa và gây bệnh cho trẻ.
Khi trẻ bị táo bón, nên áp dụng kết hợp các giải pháp sau đây để chữa táo bón cho trẻ nhanh hơn. Cha mẹ thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, tránh những hậu quả không hay cho trẻ.
1. Tăng cường lượng nước
Trẻ không dùng đủ lượng nước hàng ngày là một nguyên nhân gây nên táo bón, vì vậy việc bổ sung đủ nước là rất quan trọng giúp trẻ đỡ táo bón.
Đối với trẻ nhỏ tổng lượng nước bổ sung từ ăn uống mỗi ngày khoảng 1 – 1,5 lít (khoảng 4 – 5 cốc nước). Trong những trường hợp trẻ mất nước nhiều như ngày hè nóng bức, trẻ vận động vui chơi làm toát mồ hôi nhiều hay trẻ bị sốt thì lượng nước cần bổ sung nhiều hơn.
Tốt nhất nên cho bé uống nước đun sôi để nguội, nước trái cây như nước lê, nước mận, không nên cho trẻ uống nước ngọt, nước có gas, không pha sữa quá loãng để bù nước cho trẻ.
2. Bổ sung chất xơ
Chất xơ có vai trò quan trọng giúp phòng chống táo bón. Theo các chuyên gia tiêu hóa, những trẻ có chế độ ăn giàu chất xơ từ rau xanh và củ quả tươi ít gặp vấn đề táo bón hơn những trẻ ăn ít. Vì vậy khi trẻ bị táo bón cần tăng cường bổ sung chất xơ từ các loại rau củ quả tươi như rau mồng tơi, rau cải, củ khoai lang, măng tây, quả mận, lê…
Lưu ý nên thay đổi đa dạng các loại rau trong mỗi bữa ăn hàng ngày để trẻ không cảm thấy chán, đồng thời cần chế biến hợp khẩu vị để trẻ ăn được nhiều hơn. Thích hợp nhất là các loại sinh tố từ trái cây tươi vừa bổ sung chất xơ, vừa bổ sung thêm nước và vitamin. Nếu trẻ không thích ăn rau có thể thay thế bằng chất xơ hòa tan đóng túi dạng công thức như Natufib, một sản phẩm chuyên sử dụng cho trẻ bị táo bón, hiện đang có bán trên các nhà thuốc.
3. Tập cho trẻ đi đại tiện đúng giờ
Cơ thể con người có những phản xạ có điều kiện trong đó phản xạ đi đại tiện cũng không phải là ngoại lệ. Ở trẻ do quá ham chơi, sợ nhà vệ sinh bẩn, sợ không dám đi đại tiện ở lớp… dẫn đến những rối loạn phản xạ quên đại tiện, làm cho táo bón sẽ nặng thêm và kéo dài.
Vì vậy tập cho trẻ đại tiện đúng giờ sẽ giúp tạo cho trẻ phản xạ muốn đi ngoài. Tốt nhất nên cho trẻ đại tiện vào buổi sáng hoặc chiều tối. Khi trẻ ngồi đại tiện, không để trẻ phân tâm vào những thứ xung quanh, có thể xoa bụng quanh rốn hoặc hướng dẫn trẻ tự xoa bụng mình, trẻ sẽ đại tiện dễ dàng hơn. Lưu ý cần kiên trì trong những ngày đầu nếu trẻ không đi được, thì hôm sau cũng đúng giờ đấy vẫn nên cho trẻ ngồi bô.
4. Tăng cường vận động
Cho trẻ vui chơi vận động sẽ giúp tăng nhu động đường tiêu hóa để đẩy phân di chuyển nhanh hơn trong đường tiêu hóa. Theo nhiều thống kê cho thấy trẻ năng hoạt động có tỷ lệ gặp táo bón ít hơn so với trẻ lười vận động.
Có thể mát xa bụng cho bé bằng cách cho trẻ nằm ngửa rồi cha mẹ đặt tay lên vùng rốn xoa nhẹ theo chiều kim đồng hồ từ trong ra ngoài khoảng 10-15 phút mỗi tối hoặc di chuyển 2 chân của bé theo kiểu đạp xe đạp thêm 10 – 15 phút.