Trung bình Hà Nội ghi nhận 6.961 ca bệnh/ngày
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, tuần qua, trung bình Hà Nội ghi nhận 6.961 ca bệnh/ngày, giảm 36% so với kỳ báo cáo trước (trung bình 10.548 ca bệnh/ngày). Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021 đến 18h ngày 5-4-2022), Hà Nội ghi nhận 1.508.189 ca mắc. Cộng dồn đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.508.429 ca mắc, 1.388 trường hợp tử vong (chiếm 0,09%).
Theo lãnh đạo Sở Y tế, 3 tuần liên tiếp vừa qua ghi nhận tình hình dịch giảm nhanh chóng cả ở số mắc, số chuyển nặng và số tử vong. Đây là thành quả của chiến lược phòng, chống dịch đúng đắn, công tác triển khai quyết liệt, hiệu quả ở tất cả các cấp, ngành, phù hợp với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Về tiêm vắc xin phòng Covid-19, toàn thành phố đã tiêm được 16.592.777 mũi. Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai tốt công tác tiêm chủng, đồng thời, sẵn sàng tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi khi được Bộ Y tế giao.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Lưu Hoa cho biết, sáng 6-4, tất cả các cơ sở giáo dục đã đón học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường sau một thời gian dài học trực tuyến. Các nhà trường đều chuẩn bị sẵn sàng phương án vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến. Dự kiến, một vài ngày tới, số học sinh tiểu học đi học trực tiếp sẽ tăng. Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan y tế, công an để cập nhật thường xuyên diễn biến tình hình, tránh tâm lý lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.
Cũng tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh thông tin, trong tháng 3 và đầu tháng 4, Sở đã phối hợp với Sở Y tế, Công an thành phố cùng các quận, huyện, thị xã tổ chức các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19. Các hoạt động văn hóa như mở lại phố đi bộ, di tích, rạp chiếu phim, nhà hát, chuẩn bị cho SEA Games 31… đều được bảo đảm, đã chuẩn bị phương án với các tình huống cụ thể.
Về phần mềm hỗ trợ các thủ tục hành chính cho F0 điều trị tại nhà, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng cho biết, đến nay, toàn bộ các chữ ký số đã được cấp và cuối tuần này hơn 1.000 chữ ký số sẽ được bàn giao cho các cơ sở y tế. Sở sẽ phối hợp với đối tác hỗ trợ cài đặt chữ ký số cá nhân lên máy tính và hướng dẫn quy trình ký số cho đội ngũ y, bác sĩ để các cơ sở y tế nhanh chóng áp dụng thực tiễn, phục vụ người bệnh.
Tại phiên họp, các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Mỹ Đức, Tây Hồ, Ba Đình, Quốc Oai, Phúc Thọ cho biết, số ca nhiễm trên địa bàn giảm sâu và đa số đều có triệu chứng nhẹ… Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tới trường học trở lại tại các địa phương đạt tỷ lệ cao và nhận được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Thời gian tới, các địa phương tiếp tục các giải pháp phòng, chống dịch, trong đó, vận động người dân tiêm đủ các mũi vắc xin…
Tích cực trong chiến dịch tiêm chủng
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, trong bối cảnh mới, một số quy định phòng, chống dịch đã không còn phù hợp. Vì vậy, Sở đã báo cáo UBND kiến nghị Bộ Y tế để sửa đổi một số quy định và đang đợi văn bản chính thức. Giám đốc Sở Y tế đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục tích cực trong chiến dịch tiêm chủng, xây dựng kế hoạch tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện “5K”, tránh tình trạng tái nhiễm…
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, những ngày vừa qua, các ca bệnh, ca bệnh nặng và số ca tử vong trên địa bàn tiếp tục giảm mạnh… Theo đồng chí Chử Xuân Dũng, đây là con số đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống dịch. Mặc dù các hoạt động cơ bản đã được mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới, song biến chủng của SARS-CoV-2 tiếp tục diễn biến phức tạp, do đó tất cả các cấp, ngành và các địa phương tiếp tục quan tâm, tập trung chỉ đạo, tránh lơ là, chủ quan.
Thống nhất ý kiến các địa phương cũng như chỉ đạo về chuyên môn của Sở Y tế, đồng chí Chử Xuân Dũng tiếp tục yêu cầu các địa phương duy trì, thực hiện nghiêm tổ chức thực hiện phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố từ công tác truyền thông, điều trị, kiểm tra, giám sát…
Đồng thời, tiếp tục duy trì phương châm “4 tại chỗ” theo phân cấp, song cần linh hoạt trong thực hiện. Trong đó, đối với các đơn vị thu dung tại cơ sở không còn bệnh nhân, đồng chí Chử Xuân Dũng chỉ đạo phải linh hoạt thu hẹp đầu mối, thu hẹp quy mô nhưng luôn sẵn sàng hoạt động trở lại, phù hợp với tình hình dịch bệnh…
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng ghi nhận các đơn vị và Sở Giáo dục và Đào tạo đã rất tập trung trong việc đưa học sinh quay trở lại học trực tiếp. Trong ngày đầu tiên, tỷ lệ học sinh đi học trở lại rất tích cực. Đây cũng là mong muốn của đông đảo phụ huynh và học sinh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường tiếp tục rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ triển khai nghiêm công tác an toàn phòng, chống dịch, chú trọng tổ chức bữa ăn bán trú để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh. Các nhà trường cũng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường khi các trường học trực tiếp.
“Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với nhà trường, gia đình học sinh tăng cường nắm bắt diễn biến tâm lý lứa tuổi, tư vấn kịp thời, có biện pháp củng cố kiến thức đi học trở lại. Đặc biệt quan trọng là học sinh lớp 1 và lớp 6 khi lần đầu tiên được đến trường kể từ đầu năm học”, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Về công tác tiêm chủng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị làm tốt công tác quản lý nhóm người có nguy cơ cao, rà soát tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi, sẵn sàng điều kiện tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Các đơn vị tiếp tục chủ động điều trị ca mắc Covid-19, thực hiện bài bản từ cơ sở, hạn chế chuyển tầng, giảm tỷ lệ tử vong, linh hoạt trong việc chuyển đổi khu thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 sang điều trị thông thường…