1. Đeo khẩu trang khi tới nơi đông người
Theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế có 3 trường hợp bắt buộc đeo khẩu trang. Thứ nhất, khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus nCov. Thứ 2, khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi... Và thứ 3, khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi thăm hỏi, khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Bộ Y tế cũng khuyên mọi người nên đeo khẩu trang y tế khi tới nơi đông người để phòng, tránh lây lan dịch nCoV. Cha mẹ cần hết sức lưu ý điều này để nhắc nhở con cái mỗi khi ra chỗ đông người.
Còn về cách đeo khẩu trang y tế đúng chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Bộ Y tế hướng dẫn:
- Khẩu trang y tế chỉ sử dụng 1 lần rồi bỏ vào thùng rác an toàn, có nắp đậy.
- Khi đeo khẩu trang, phải để mặt xanh ra ngoài do mặt này có tính chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong, có thể rơi xuống. Mặt màu trắng có tính hút ẩm nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang.
- Khi đeo khẩu trang phải bảo đảm kín cả mũi và miệng.
- Tuyệt đối không sờ tay vào khẩu trang vì khiến bàn tay bị lây nhiễm các virus, vi khuẩn dính trên đó.
- Khi tháo khẩu trang, chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn, tránh cầm vào mặt khẩu trang khiến tay lây nhiễm các tác nhân có hại.
- Rửa tay ngay sau khi tháo bỏ khẩu trang.
Làm ngay trắc nghiệm để biết bạn đã đeo khẩu trang đúng cách?
2. Rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn
Rất nhiều phụ huynh vẫn có băn khoăn nên sử dụng nước rửa tay khô hay xà bông cho con rửa tay, sát khuẩn? Nhiều chuyên gia của Bộ Y tế đã khẳng định khả năng sát trùng, diệt khuẩn của các sản phẩm này không có gì khác biệt.
Tuy nhiên, TS. BS Đào Thị Yến Phi – Trưởng Bộ môn dinh dưỡng Đại học Y Phạm Ngọc Thạch TP.HCM khẳng định nước rửa tay khô chỉ nên sử dụng khi đi ra ngoài cho tiện lợi. Bởi lẽ, khi xịt ra thì dung dịch này sẽ nhanh chóng bay hơi, vi khuẩn sẽ bị chết và tạo thành lớp màng bám ở tay. Do đó, mọi người vẫn cần rửa lại bằng xà bông, xả bằng nước sạch để loại trừ sạch sẽ lớp màng này. Còn rửa tay bằng xà bông sẽ giúp làm sạch sâu hơn, tiết kiệm và an toàn cho da tay của trẻ.
Chi tiết bài viết xin mời bạn đọc xem thêm tại đây!
Quan trọng hơn cả, cha mẹ không nên rửa tay cho trẻ, hãy để các bé tự thực hiện đủ 6 bước rửa tay theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế:
Bước 1: Làm ướt hai lòng bàn tay bằng nước, lấy xà phòng vào lòng bàn tay. Chà 2 lòng bàn tay vào nhau.
Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón.
Bước 4: Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay).
Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái).
Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.
Chú ý: Rửa tay ít nhất trong 30 giây, mỗi thao tác lặp lại ít nhất 5 lần.
Làm ngay trắc nghiệm để biết bạn đã rửa tay đúng cách?
3. Vệ sinh đường hô hấp
Tiến sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Trưởng Bộ môn dinh dưỡng Đại học Y Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho biết, nếu tay chúng ta có chứa virus corona hay virus cúm, virus gây bệnh chân tay miệng... mà chạm vào mắt, mũi, miệng thì sẽ khiến cơ thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, các virus này thông thường khi ở mũi, miệng sẽ không tác động ngay, mà chúng sẽ di chuyển xuống thanh quản, bám vào các tế bào ở đây mới gây bệnh.
Chính vì thế, vệ sinh đường hô hấp là việc rất quan trọng giúp loại trừ các loại bụi bẩn, virus, vi khuẩn đã thâm nhập vào mắt, mũi, miệng.
Cha mẹ nên nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9% vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn. Hạn chế cho tay vào mắt, mũi, miệng để hạn chế nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp và bệnh do virus corona gây ra.
4. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Không chỉ lo "chống giặc ngoài", cha mẹ cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cho trẻ để tăng cường sức đề kháng.
Theo TS.BS Đào Thị Yến Phi - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng - ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh) cho biết hệ miễn dịch không phải tăng cường ngày 1 ngày 2 là xong. Thông thường, mỗi đứa trẻ phải mất từ 3-6 năm đầu đời để có hệ miễn dịch hoàn chỉnh. Không có 1 thức ăn gì tăng đề kháng trong khoảng thời gian ngắn 1 ngày, 1 tuần, mà cần một quá trình xây dựng, bồi đắp lâu dài.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà không quan tâm tới chế độ dinh dưỡng. Ngay từ bây giờ, hãy cung cấp cho trẻ đa dạng các thực phẩm, đầy đủ chất dinh dưỡng, bởi hệ miễn dịch cần đủ hơn 40 chất dinh dưỡng, thiếu bất kỳ một chất dinh dưỡng nào cũng làm suy yếu nó.
Bên cạnh đó, nước lọc là quan trọng nhất trong việc nâng cao sức đề kháng. Đặc biệt, nhu cầu nước của trẻ em cao hơn người lớn nên cha mẹ chú ý nhắc nhở trẻ uống nước, sữa để bổ sung.
Lưu ý, nên cho trẻ ăn các đồ đã nấu chín, tuyệt đối tránh đồ ăn để lâu, ôi thiu, thực phẩm chế biến từ động vật hoang dã.
5. Giữ ấm cho cơ thể trẻ, vệ sinh nhà cửa thông thoáng
Giữ ấm cơ thể, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao đầy đủ là cách tốt để giúp trẻ có sức khỏe tốt hơn, góp phần làm tăng sức đề kháng.
Bên cạnh đó, môi trường sống cũng rất quan trọng, cha mẹ chú ý dọn vệ sinh, phun thuốc khử trùng, thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác. Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.