Diễn Tả Nhu cầu và Ý định
Trong giai đoạn Một, mục tiêu của hoạt động giáo dục là tìm cách tạo quan hệ gắn bó và thân mật với trẻ em. Nhờ đó, người lớn như cha mẹ hay giáo viên trở thành một phối nhân tích cực và quan trọng có ý nghĩa đối với các em. Cũng nhờ quan hệ nầy, trẻ em cảm thấy sự có mặt của người lớn là một thiết yếu cho cuộc đời, khả dĩ mang đến cho các em niềm hạnh phúc, sung sướng và hân hoan. Ngoài ra, trong quan hệ gắn bó nầy, hai thành viên không những có mặt với nhau, mà còn có ảnh hưởng trên nhau. Chẳng hạn, con nhìn. Mẹ đáp lại bằng nụ cười. Và khi mẹ nhìn, con đưa tay vuốt tóc của mẹ. Mỗi quan hệ “phát đi và nhận lại” như vậy được gọi là một chu kỳ, một vòng tròn hay là một đơn vị trao đổi có mở và có đóng, có khởi đầu và có kết thúc.
1.- Quan hệ hai chiều
Qua giai đoạn Hai mang tên là TRAO ĐỔI HAI CHIỀU, đơn vị trao đổi được nhân ra từ một thành hai, và từ hai gia tăng lên mãi về mặt lượng cũng như về mặt phẩm. Hình thức hay là phương tiện, nhằm thể hiện và diễn tả quan hệ trao đổi, lúc khởi đầu, là nét mặt, liếc nhìn… Mỗi khi trẻ em làm một cử chỉ, một điệu bộ, chúng ta lưu tâm, ghi nhận và trả lời với tất cả nét mặt linh động, hoạt bát. Chúng ta còn có thể thêm vào những âm thanh trầm bổng, nhằm thúc giục, khuyến khích và kêu mời trẻ em mở rộng những cánh cửa giác quan được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Trên nguyên tắc, người dẫn khởi là trẻ em. Chúng ta tìm cách trả lời và nới rộng tầm hoạt động của các em, thay vì áp đặt và điều khiển từ trên và từ ngoài. Và như trước đây tôi đã nhấn mạnh, chính lúc trẻ em bít kín mình, từ chối hay là ngoảnh mặt nhìn qua nơi khác, các em cũng đang diễn tả, theo phương thức đặc thù và riêng biệt của em, một tâm tình, một nhu cầu hay là một ý thích. Chính người lớn hãy học tập khám phá cách nhạy bén, một vài dấu hiệu của sự sống đang có mặt và vươn lên, dù đó chỉ là một hơi thở ra, một nhịp tim, một thoáng cử động. Theo lối nhìn của Bác sĩ D. Winnicott, bao lâu trẻ em ở trong tình trạng thức tỉnh, các em đang chủ động, đang làm chủ thể. Nghĩa là đang SỐNG.
Thấy được điều cơ bản nầy, chúng ta sẽ hiểu được rằng: TẠO QUAN HỆ, trả lời cho một trẻ em từ 0 đến 6 tháng, bao gồm những điều rất đơn giản nhưng rất thiết yếu:
– Thứ nhất là có mặt một cách tích cực, đặt trọng tâm vào trẻ em, sẵn sàng ghi nhận những gì đang xảy ra nơi các em.
– Thứ hai là nói chuyện với trẻ em : Mẹ đang thấy, đang nghe, đang cảm nhận những gì bắt nguồn và phát xuất từ nơi con.
– Thứ ba là LÀM. Nếu chúng ta khám phá một nhu cầu, làm có nghĩa là đáp ứng nhu cầu ấy, theo điều kiện hiện tại do thực tế cung cấp. Nếu chúng ta ghi nhận những cử điệu, những âm thanh, làm là phản ảnh, diễn tả lại theo cách của chúng ta, những gì trẻ em đang thực hiện. Nhờ mẹ BIẾT LÀM như vậy, đứa con mới có cơ may LÀM NGƯỜI. Theo nhận định của hai bác sĩ chuyên trách về nhi đồng là B. Cramer và T.B. Brazelton, cách phản ảnh cơ bản nhất là “ĐỒNG ĐIỆU và HÒA ỨNG” , cơ hồ những ca sĩ và nhạc sĩ đang trình diễn một bản hòa tấu. Mỗi người, tùy vào giọng hát và tiếng đàn của mình, đều đóng góp phần tích cực. Nhưng không một ai hoàn toàn tự do chủ động. Và không một người nào ở thế bị động một trăm phần trăm. Giữa trẻ em và người lớn, loại quan hệ đồng điệu nầy là điều rất cơ bản trong vấn đề dạy dỗ và học tập.
2.- Nhiều cách mở rộng quan hệ hai chiều
Để bắt đầu, chúng ta hãy khảo sát một ví dụ :
– Đứa con đang đưa tay lên gãi đầu.
– Thấy con làm như vậy, người mẹ đề nghị : con đang ngứa chỗ nào, tới đây mẹ gãi đầu cho.
– Đứa con quay mặt nhìn chỗ khác.
– Người mẹ đến trước mặt con, quì xuống ngang tầm mắt và nói : Mẹ thích ngắm nhìn con. Con của mẹ đẹp và có duyên lắm.
– Đứa con mỉm cười. –
Mẹ thoa đầu, vuốt ve cho con.
– Đứa con lại gần sát mẹ hơn.
Với những cách làm tương tự như vậy, chỉ trong chưa đầy một phút đồng hồ, hai mẹ con đã thay phiên nhau đóng và mở rất nhiều vòng trao đổi qua lại hai chiều. Ngoài cử chỉ đầu tiên do đứa con thực hiện một cách tình cờ, những cách trả lời tiếp theo, cùng một lúc có hai phần vụ : đóng lại một chu kỳ trao đổi và đồng thời mở ra một chu kỳ khác.
Khi kiến dựng những trao đổi như vậy, chúng ta cần tôn trọng một vài nguyên tắc điều hướng sau đây:
– Tận dụng tối đa những sở thích hiện hành của trẻ em, trong lãnh vực giác quan : các em muốn nhìn gì, lắng nghe hay là phát ra những âm thanh nào, đang đưa tay đụng vào đâu…
– Thay vì áp đặt ý định hay là sáng kiến của mình, chúng ta tìm đến với trẻ em, đi theo sáng kiến của các em.
– Cho phép trẻ em dẩn khởi, chủ động hướng dẫn chúng ta càng nhiều càng tốt.
– Với trẻ em có xu thế hay xa lánh, chạy thoát, tránh tiếp xúc, chúng ta sử dụng kỹ thuật chận đường, khuyến khích các em bộc lộ, diễn tả ý định, ý muốn, nhu cầu của mình.
Khi làm những điều ấy, chúng ta đang tìm cách tạo quan hệ trao đổi qua lại với trẻ em. Và khi cho phép các em làm chủ thể như thế, chúng ta đang tạo điều kiện thuận lợi, cho các em học hành, phát huy bản sắc của mình, tiếp thu những tin tức mới lạ, do môi trường sinh thái cung ứng, nhất là trên ba bình diện Thấy, Nghe và Xúc cảm.
Lợi dụng mỗi sáng kiến của trẻ em:
Trẻ A đang nằm bất động trong một góc phòng.
Thay vì kêu em ra – và chưa hẳn em làm theo – cô giáo có thể mang đến cho em một tấm chăn, đắp lên mình em. Làm điều ấy, cô giáo hợp thức hóa hay là gọi ra ánh sáng một ý định hay là ý muốn có lẽ chưa rõ ràng, minh bạch, trong đầu óc của em. Mang đến tấm chăn, cô giáo đã tạo quan hệ với em, cho phép em làm điều em đã và đang làm.
Tiếp theo sau, cô giáo có thể bắt đầu chơi với em, bằng cách lấy tấm chăn trùm lên em, và hỏi :
– Cô đi tìm em A, cô không biết em A trốn ở đâu.
– Nếu A lấy tay cất tấm chăn, em đã bắt đầu trả lời.
– Trường hợp em vẫn nằm yên, cô giáo có thể đưa tay kéo tấm chăn và nói : Cu cù, em A ở đây…
– Nếu A chạy đi nơi khác, cô giáo lại tiếp tục trò chơi đi tìm. Khi em đi nơi khác như vậy, đó cũng là một cách em đang trả lời.
Trong lúc trao đổi như thế, chúng ta lưu tâm đến từng điệu bộ, từng phản ứng, từng nụ cười đang diễn tả niềm vui một cách kín đáo. Vừa ghi nhận những điều ấy, chúng ta phản ảnh lập tức cho em biết những gì em đã và đang thực hiện. Với thực tập và kinh nghiệm, người giáo viên có thể biến trường hợp nầy thành trò chơi trốn tìm hay là mèo chuột đuổi bắt nhau.
Đến với trẻ em, nhất là khi em có những hành vi máy móc, tự động, lặp đi lặp lại
Trẻ B có xu thế lắc lư thân mình từ sau ra trước. Thay vì cấm đoán, chúng ta có thể tìm cách tham dự, chia sẻ bằng nhiều hình thức khác nhau như :
– Vỗ tay theo nhịp điệu lắc lư,
– Cầm tay B và cùng lắc lư. Sau một hồi cùng làm, chúng ta chuyển hướng một cách kín đáo, từ mặt qua trái.
– Hay là bảo B : Em có phép lắc lư. Nhưng vừa lắc lư, em vừa lau nhà, với cây chổi có cán dài nầy, cùng với cô.
Mục tiêu của bao nhiêu cách làm ấy là:
+ Có mặt,
+ Gây ý thức, bằng cách phản ảnh,
+ Cho phép làm, cùng làm… Nhưng từ từ chuyển cái làm máy móc thành một công việc có ý hướng tạo niềm vui cho chính mình vàchia sẻ với người khác.
Kết hợp nhiều giác quan lại với nhau.
– Kết hợp màu sắc với các loại sinh hoạt.
Ví dụ màu xanh : múa động, la hét, reo hò.
Màu đỏ: dừng lại, đứng im, chờ đợi.
Màu vàng : nhìn chung quanh, coi chừng.
– Kết hợp nhiều tin tức khác nhau về một con vật như chó, mèo và bò… có điệu bộ, tiếng kêu và hình vẽ thế nào ?
– Hình dung, gọi tên một đồ vật ở ngoài tầm mắt, chỉ tiếp xúc bằng tay mà thôi. Chúng ta có thể làm một cái hộc lớn có nắp đậy kín, khoét một lỗ tròn rộng vừa đủ cho bàn tay đưa vào và kéo ra. Chúng ta bỏ vào trong hộc ba vật dụng khác nhau như cây bút chì, bàn chải đánh răng và cái muổng… Trẻ em đưa tay vào tìm lấy ra đồ vật được cô giáo kêu tên. Trẻ càng tiến bộ, chúng ta càng sử dụng những đồ vật có hình thể gần giống nhau và tăng lên dần dần số lượng của các vật được dùng. Nếu trẻ em chưa có ngôn ngữ, chúng ta sử dụng hình vẽ hay là một vật tương tự : “Em đưa tay vào trong hộc tìm vật nầy cho cô, và lấy ra”.
Chính khi trẻ em ước muốn hay yêu cầu một điều gì, lợi dụng cơ hội để giúp các em học liên kết với nhau ba yếu tố như sự vật, tâm tình và hành vi:
– Con muốn gì?
– Đưa tay chỉ cho cô con muốn uống gì bây giờ ? Đây là sữa bò. Kia là nước cam. Nhìn cho kỷ và tìm cách chỉ cho cô biết ý con muốn uống gì ?
– Bây giờ cô đã biết ý con là muốn uống sữa. Nhưng đổ sữa vào đâu mà uống ? Con đi tìm cho cô đồ đổ sữa xem nào .
Khi trao đổi với trẻ em, chúng ta cần sử dụng mọi phương tiện để diễn tả một cách linh động : nét mặt, liếc nhìn, giọng nói, điệu bộ… Nói cách chung, chúng ta càng linh động, trẻ em càng dễ hiểu chúng ta. Chúng ta càng linh hoạt, trẻ em càng dễ chú ý.
3.-Với những trẻ em có nhiều khó khăn trong lãnh vực tiếp xúc.
Mục tiêu cần thường xuyên nhắm tới là tạo mọi điều kiện thuận lợi, để những trẻ em khó tiếp xúc có thể đáp ứng hay là bộc lộ ý định của mình.
Sáng tạo trò chơi CHẬN ĐƯỜNG
– Cố ý không hiểu, để các em tìm mọi cách trình bày, nhất là khi chúng ta đã biết các em muốn gì.
– Dùng trò chơi chận đường, tạo cản trở giữa các em và điều các em ước muốn.
– Tạo ra những hoàn cảnh đòi hỏi em phải tiếp xúc, diễn tả. Ví dụ trẻ em đang chơi đánh đu. Chúng ta giả vờ làm cánh chim bay đến bên cạnh: « Làm ơn cho phép chim sơn ca nầy cùng đánh đu với bạn » . Nếu em từ chối, xô đẩy, chúng ta cự nự. Nếu em bằng lòng, chúng ta cùng chơi một lúc, rồi bảo em : « Ô, nhanh quá. Dừng lại thôi. Cô sợ lắm ». Chính khi trẻ em từ chối một cách cố tình, các em đã diễn tả ý định của mình.
Trường hợp trẻ em muốn tránh xa chúng ta, chạy từ nơi nầy qua nơi khác, chúng ta giăng hai tay chạy đuổi bắt, miệng làm tiếng mèo kêu ” meo meo” . Khi em dừng lại, chúng ta đưa hai tay đóng khung em lại, và nói : “Mèo này bắt được chú chuột rồi” . Nếu em vùng vẫy và chạy thoát, chúng ta khen em: “Chú chuột nầy bé mà mạnh quá”.
Với hai cách làm trên đây, chúng ta đã tạo điều kiện cho trẻ em đóng và mở nhiều vòng trao đổi với chúng ta. Chúng ta cũng có thể dùng tấm khăn lớn, đến gần, trùm lên đầu em và chờ em cất đi. Sau đó, cho phép em trùm đầu chúng ta.
Cho phép trẻ em tháo ra, lật đổ, gây tiếng động…
Có nhiều trẻ em có những khó khăn trong lãnh vực vận động, di chuyển… chúng ta mang lại gần những trò chơi kết ráp và cho phép các em tháo tung ra thành từng mãnh những gì chúng ta đã kết ráp. Cũng vậy, chúng ta dùng chất « mút » nhẹ làm ra nhiều tảng gạch lớn, có bọc vải lại. Sau khi cùng trẻ em xây lên một bức tường cao, chúng ta cho phép trẻ em lật đổ. Để kết thúc những trò chơi loại nầy, chúng ta yêu cầu trẻ em đi thu lượm và xếp đặt lại một chỗ với nhau, hay là xây cất lên một bức tường khác. Nói cách chung, chúng ta tập cho trẻ em để lại một quang cảnh có thứ tự, trước khi ra đi làm việc khác.
Trong tinh thần và ý hướng nầy, tất cả những điều trẻ em có khả năng làm và thích làm, đều được chúng ta khai thác, tận dụng, nhằm giúp các em trở nên chủ động. Tuy nhiên, khi cho phép làm như vậy, chúng ta cần lưu tâm đến mục tiêu của giáo dục và dạy dỗ là XÃ HỘI HÓA hành vi của trẻ em, bằng cách từ từ đưa vào một số điều kiện học tập như : Làm với ai, làm ở đâu, làm thế nào, làm theo phiên của mình, bắt chước làm như người lớn, theo mẫu vừa mới được trình bày cho các em.
Khuyến khích diễn tả bộc lộ mọi loại tình cảm và xúc động :
Trong chương trình học hành hằng ngày, ấn định và tổ chức giờ sinh hoạt dành cho đời sống xúc động và tình cảm.
Cho phép trẻ em diễn tả dễ dàng những xúc động sau đây:
– Thích được gần gũi, bồng bế,
– Có quyền từ chối, tức giận, bày tỏ ý thích,
– Cười, vẫy tay, nhảy nhót …để bộc lộ niềm vui,
– Diễn tả bằng ngôn ngữ lòng ghen tức, khi người lớn âu yếm, săn sóc một con búp-bê, hay một em khác.
– Không cho chúng ta lại gần hay là bỏ chạy, nhằm khẳng quyết ý thích tự lập. Một cách đặc biệt, khuyến khích, tạo điều kiện cho trẻ em bộc lộ những tâm tình đang còn bị dồn nén, cấm đoán hay là còn thiếu vắng trong các sinh hoạt hằng ngày của các em:
+ Làm trò hề, chọc cười kẻ khác,
+ Tổ chức trò chơi trốn tìm, hay là giấu trò chơi và bảo trẻ em đi tìm. Với trẻ em còn nhỏ, có cấp độ phát triển còn yếu, chúng ta đi giấu vật dụng trước mắt theo dõi của các em. Đồng thời, chúng ta đưa mắt quan sát trẻ em nào biết nhìn theo, lưu ý, ghi nhận…
+ Khi trẻ em tức giận, bất bình, thay vì an ủi, dàn hòa, giải quyết những tranh chấp, xung đột …chúng ta hãy lợi dụng cơ hội, để giúp các em trình bày ý kiến, diễn tả ý muốn, ngoại hiện ước vọng của mình.
+ Khi trẻ em buồn khóc, chúng ta lại gần, có mặt, lắng nghe. Tuy nhiên, không tìm cách an ủi, thoa dịu một cách bồn chồn, vội vã. Chúng ta chỉ chia sẻ nỗi buồn, phản ảnh, cho phép bộc lộ. Khuyến khích trẻ em tự giải quyết, theo mức độ hiện tại của các em.
4- Cử chỉ, điệu bộ dọn đường cho ngôn ngữ xuất hiện:
Để diễn tả tâm tình, ước muốn, ý định, nhu cầu… trẻ em bắt đầu sử dụng cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, liếc nhìn, tiếng khóc, trước khi có khả năng trình bày bằng ngôn ngữ.
Nói cách chung, để phát huy khả năng dùng phương tiện gián tiếp, hình tượng và trừu tượng, trẻ em phải đi qua giai đoạn bộc lộ một cách cụ thể, trực tiếp những ý hướng và sở thích của mình.
Nhiều trẻ tự bế đã có thể dùng ngôn ngữ. Nhưng ngôn ngữ của các em không phải là phương tiện trao đổi, diễn tả, tiếp xúc. Một trẻ em, có trình độ phát triển bình thường, đã biết đưa ngón tay chỉ điều mình mong muốn, sau một tuổi và trước hai tuổi. Trẻ ô-ti-xơm chưa có hay chưa biết dùng phương tiện nầy, để trao đổi với mẹ và các người lớn khác, lúc lên 3-4 tuổi. Cho nên, khi nói, các em chỉ lặp lại, không diễn tả, trình bày ý định và sở thích. Một số các em biết phát âm, nhưng chỉ phát âm cách may rủi, có khi đúng, có khi sai. Điều được phát âm không thích ứng với hoàn cảnh hiện tại.
Để trẻ em có thể sử dụng ngôn ngữ một cách thích ứng, tại lớp đặc biệt, người giáo viên cần tận dụng mọi hoàn cảnh cụ thể, nhằm khuyến khích, giúp đỡ các em diễn tả, trình bày ý nguyện của mình. Trước khi ăn, uống, chơi, người giáo viên trình bày hai hoặc ba chọn lựa khác nhau và kiên nhẩn chờ đợi cho đến khi trẻ em làm bất cứ một dấu hiệu gì bày tỏ ý kiến của mình. Trước khi trẻ em chạy ra ngoài, chúng ta chận đường hỏi em : Em muốn ra ngoài để làm gì?
Bao lâu người giáo viên chưa ý thức về tầm quan trọng của những điều cần học và cần dạy nầy, họ còn chưa hiểu trẻ chậm phát triển cần học gì, và chúng ta cần dạy gì, dạy thế nào, dạy vì mục đích gì…Một khi đã biết dùng tay, chân, điệu bộ, liếc nhìn, nét mặt… để diễn tả, trao đổi, trẻ em có thể sử dụng ngôn ngữ, với mục đích trình bày, thông đạt những gì đang có mặt trong nội tâm, như nhu cầu, ước muốn. Với cách HỌC NÓI có tiến trình và thứ tự nầy, lời nói mới trở thành DỤNG CỤ TRAO ĐỔI hữu hiệu.
5-Lưu tâm đến vấn đề riêng biệt của mỗi trẻ em:
5.1.- Trẻ em loạn thính :
Nhiều trẻ em có khả năng thu nhận âm thanh, nhưng không hiểu ý nghĩa của âm thanh. Rối loạn nầy nằm ở khâu thuyên giải, nghĩa hiểu được ý nghĩa của lời nói. Rối loạn nầy trực thuộc đời sống nội tâm. Cũng như trong vấn đề ĐỒNG CẢM, nhiều trẻ em thấy mặt mẹ, nhưng không đọc được ý nghĩa vui buồn, tức giận, sợ hải… trên nét mặt hay liếc nhìn của mẹ. Ghi nhận âm thanh hay ghi nhận hình ảnh, đó là vai trò của các giác quan, khi tiếp xúc với các sự vật cụ thể và khách quan bên ngoài. Thuyên giải, trái lại, đó là một trong những phần vụ của nội tâm, khi trẻ em hiểu được giọng nói của mẹ khác với những âm thanh khác. Cũng nhờ khả năng thuyên giải, các em biết phân biệt nhiều ý nghĩa trong cùng một giọng nói của mẹ : giọng la rầy, giọng lo sợ, giọng an ủi dỗ dành.
Để giúp đỡ loại trẻ em loạn thính, chúng ta cần kết hợp âm thanh và hình ảnh lại với nhau. Khi nói, chúng ta cần dùng thêm nhiều cử chỉ, dấu hiệu, điệu bộ.
Và khi tiếp xúc trao đổi với các em, chúng ta cần ghi nhận những điểm thiết yếu sau đây:
– Tìm hiểu ý định và ý muốn của các em, nhờ vào những dấu hiệu rất kín đáo và tế vi như nụ cười, nét mặt, cử chỉ.
– Khuyến khích các em khám phá, mạo hiểm, dám làm.
– Vừa nói vừa dùng điệu bộ rõ ràng.
– Điệu bộ, cử chỉ là chính. Lời nói chỉ đi kèm theo. Khi trẻ em đã có nhiều tiến bộ trong ý hướng tiếp xúc và trao đổi, bấy giờ chúng ta mới thử nghiệm vấn đề sử dụng lời nói, không có điệu bộ đi kèm theo.
– Ở trường cũng như ở nhà, cha mẹ và giáo viên cần thống nhất một số dấu hiệu về những nhu cầu cơ bản, trong cuộc sống hằng ngày.
– Tận dụng những hình ảnh, để làm nhịp cầu trao đổi. Sáng tạo một tập hình làm con thoi liên lạc giữa gia đình và trường học. Dựa vào đó, trẻ em có thể kể lại cho giáo viên những gì các em đã làm ở nhà, hay là kể lại cho cha mẹ về chương trình sinh hoạt ở lớp học.
– Khi tiếp xúc, cần dùng nhiều cử chỉ âu yếm, thân mật, để bù trừ những thiếu sót trong địa hạt âm thanh, về mặt bộc lộ tâm tình.
– Nói cách chung, cần tạo ra nhiều vòng tròn tiếp xúc. Cách làm nầy sẽ mang lại nhiều thuận lợi, cho phép ngôn ngữ từ từ xuất hiện, một cách tự nhiên, theo những giai đoạn phát triển của trẻ em.
5.2.- Trẻ em loạn thị:
Loại trẻ em nầy không có hình ảnh rõ rệt về sự vật và khung gian xa gần. Nhiều hình ảnh không ăn khớp với nhau. Cho nên, các em thường có cảm giác xa lạ, không nhận ra được mình đang ở đâu. Trong khi bị lạc đường, nếu chúng ta nghe được tiếng người quen thuộc gọi, chúng ta sẽ an tâm. Cũng vậy, trẻ em nầy cần nghe chúng ta hướng dẫn từ xa. Nhờ cách làm nầy, chúng ta sẽ giúp trẻ em có những sơ đồ tâm lý, những loại bản đồ đơn giản, rõ ràng ở bên trong nội tâm. Và khi bị rối loạn về hình ảnh, các em sẽ biết lắng nghe « lời chỉ dẫn », ở bên trong nội tâm. Đó cũng là những tấm bản đồ bằng âm thanh.
5.3.-Trẻ em có nhiều khó khăn trong vấn đề vận động (diện bại não):
Bị hạn chế trong vấn đề vận động, như quay đầu về phía tiếng động, đưa mắt theo dõi những cử điệu hay là những bước di chuyển của mẹ, loại trẻ em nầy không thể kiến dựng một cách dễ dàng hình ảnh toàn diện, có ba chiều kích ( cao, dài và rộng ), về các sự vật. Các em không thể thu lượm nhiều tin tức hoặc dữ kiện từ nhiều vị trí khác nhau, như từ trên, từ dưới, từ trước, từ sau.
Một trở ngại lớn lao thứ hai, rất khó khắc phục, cho loại trẻ em nầy, là vấn đề trao đổi, diễn tả những ý định và ước muốn của mình. Chẳng hạn, muốn được mẹ bồng, những trẻ em nầy cần mất nhiều thì giờ, để thực hiện cử động « giăng tay về phía » mẹ. Khi các em đạt được kết quả mong muốn, bà mẹ đã đi nơi khác, hay là ngoảnh nhìn nơi khác, không còn có mặt, để ghi nhận ý hướng và đáp ứng nguyện vọng của đứa con.
Thêm vào đó, vì cử điệu thiếu tính thích ứng, mềm dẽo và chính xác, người đối diện có thể hiểu lầm, thuyên giải lệch lạc ý định của trẻ em. Chẳng hạn, khi đưa tay muốn diễn tả một cử chỉ âu yếm « vuốt mặt ba », trẻ em lại vụng về, va chạm mạnh vào mắt hay là lỗ mũi… Cho nên, người cha lại ngộ nhận : Đứa con không thích mình. Nó ghét mình…Dần dần, người cha không còn có mặt và tiếp xúc với con.
Để giúp đỡ những trẻ em nầy có cơ hội và điều kiện diễn tả mình, cha mẹ hay người giáo viên cần vận dụng tối đa khả năng đồng hóa, đồng cảm với các em. Đặt mình vào vị trí của các em và sáng tạo những cách làm chính yếu sau đây:
– Liệt kê một số cử điệu dễ dàng, đơn sơ mà trẻ em đã thực thi mỗi ngày. Cùng với trẻ em, chúng ta khoác vào đó một ý nghĩa ổn định và rồi chia sẻ, thông báo cho mọi người có quan hệ với trẻ em, để họ cùng sử dụng như chúng ta.Ví dụ : “Mỗi lần con cười như con đang làm, mẹ hiểu là con thích, con bằng lòng. Khi con nhìn xuống như vậy, mẹ hiểu là con không muốn” . Và từng ba tháng, cha mẹ và giáo viên gặp nhau, cập nhật hóa những điểm qui ước nền tảng ấy. Thêm vào những cách làm mới. Hủy bỏ những gì không còn giá trị
– Sau khi đã có những ước định cơ bản như vậy, tạo nhiều cơ hội trong ngày, để trẻ em chọn lựa, sử dụng cách làm của mình. Ví du : “Khi con BẰNG LÒNG, con làm thế nào cho mẹ biết? Và khi con không muốn, con diễn tả làm sao?” Chúng ta có thể từ từ sử dụng những hình vẽ, để trẻ em đưa tay cầm lấy hay là chỉ cho chúng ta hay biết điều mà các em ước muốn, chọn lựa. Nếu chưa chỉ được, các em cần đặt bàn tay lên tấm hình.
– Khi trẻ em sử dụng những qui ước, để trao đổi, diễn tả, chúng ta cần trả lời tức khắc, để cho các em hiểu rằng “việc các em làm có kết quả thực sự”. Nói cách khác, các em sẽ phát huy ý thức mình là nguyên nhân có thể tạo ra kết quả. Lòng tự tin sẽ xuất hiện. Và càng tự tin, trẻ em sẽ dám trao đổi, diễn tả, trình bày ý định của mình.
– Một cách đặc biệt, trong lãnh vực xúc động và tình cảm, quan sát và liệt kê những cử điệu diễn tả những xúc động chính yếu như buồn, sợ, lo, tức, vui sướng, bằng lòng…Và khi trẻ em làm những cử điệu ấy, chúng ta dùng ngôn ngữ, để phản ảnh lập tức tâm trạng cũ.