Đặc biệt, vitamin C và lycopene có trong dưa hấu là chất chống oxy hóa giúp tăng cường miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương bởi gốc tự do.
Dưa hấu là trái cây có giá trị dinh dưỡng, vị ngọt thanh mát.
Ngoài giá trị dinh dưỡng và giải khát, dưa hấu còn là một vị thuốc chữa bệnh. Theo y học cổ truyền, dưa hấu có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải nóng, trừ phiền, chỉ khát, lợi tiểu... Thường dùng chữa cảm nóng, giải độc rượu, trị viêm phế quản mạn tính, mệt mỏi, chán ăn…
Sốt sau tiêm vaccine COVID-19 có nên ăn dưa hấu?
Dưa hấu tuy có tác dụng thanh nhiệt, giải khát tốt, chứa nhiều vitamin và khoáng chất nhưng cũng không nên ăn quá nhiều. Đặc biệt đối với người có chức năng tiêu hóa kém, ăn uống khó tiêu, hay đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa… không nên ăn.
Do dưa hấu có tính hàn nên người có bệnh lý dạ dày, cảm lạnh cũng không nên ăn. Người mắc bệnh đái tháo đường có thể ăn dưa hấu nhưng chỉ nên ăn ít và cân bằng với các loại thức ăn khác để tránh tăng đường huyết.
Người có chức năng tiêu hóa kém, mắc bệnh dạ dày... không nên ăn dưa hấu.
Đối với người bị sốt sau tiêm vaccine COVID-19, cơ thể đang mệt mỏi, khát nước nhưng không nên ăn dưa hấu để giải khát hay bổ sung vitamin mà cần cố gắng ăn uống những thực phẩm giàu dinh dưỡng như: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu đỗ…
Cần bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như trái cây tươi. Tốt nhất nên ăn các loại trái cây hay uống nước trái cây như: bưởi, đu đủ, quýt, cam, chanh, dâu, táo… Những loại trái cây này giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C, A… và chất xơ giúp tiêu hóa tốt, tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Thức ăn nên chế biến dưới dạng loãng, mềm, dễ tiêu như cháo, súp… Nếu mệt mỏi, miệng đắng, khó ăn thì nên chia nhỏ bữa ăn, ăn làm nhiều lần trong ngày, mỗi lần ăn một ít, uống thêm sữa. Khi đã hết sốt có thể ăn uống như bình thường với các thức ăn giàu dinh dưỡng.
Vì sốt là phản ứng có thể gặp sau tiêm vaccine COVID -19 nên người tiêm cần lưu ý theo dõi thân nhiệt. Nếu có biểu hiện sốt < 38,5 độ C thì cần cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Nếu sốt > 38,5 độ C cần sử dụng thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.