Không ít bậc cha mẹ than phiền trẻ con ngày nay chỉ biết học cách ghi nhớ, thậm chí là ghi nhớ máy móc những kiến thức đã học và sau khi thi xong là quên luôn mà không biết tư duy suy nghĩ để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Để phát triển kỹ năng tư duy sâu sắc cho con, cha mẹ cần nhận thấy tư duy không tự nhiên mà hình thành. Muốn trẻ “động não” cần phải đặt chúng vào trong những tình huống có vấn đề và kích thích chí khát khao tìm tòi, khám phá điều mới lạ.
Trong quá trình phát triển kỹ năng tư duy sâu sắc cho trẻ, một mặt vừa xây dựng ở trẻ lòng nhiệt tình, khơi dậy tính tích cực, chủ động của trẻ trong các hoạt động. Mặt khác, phải trang bị cho trẻ những kiến thức cơ bản, bởi “có bột mới gột nên hồ”. Trẻ phải có sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực mà chúng muốn học hỏi thì mới có cơ sở để chúng háo hức với việc suy nghĩ. Rèn cho trẻ kỹ năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt để trình bày những nội dung mà trẻ quan tâm. Bởi trong thực tế, có không ít trẻ dù rất thích bày tỏ quan điểm của mình về các chủ đề nhưng do hạn chế về vốn từ, cách diễn đạt khiến trẻ đành ngậm ngùi im lặng và lắng nghe một cách thụ động. Điều đó làm cho trẻ dễ rơi vào tâm trạng chán chường, nản chí.
+ Kỹ năng tư duy sâu sắc của trẻ chỉ được hình thành trong hoạt động
Có một điểm mạnh của hầu hết các trẻ là rất hiếu kỳ thích tìm tòi phát hiện cái mới. Thể hiện ở chỗ trẻ rất thích đặt ra những câu hỏi về bất cứ lĩnh vực nào mà chúng quan tâm. Cha mẹ không nên trả lời ngay lập tức những thắc mắc của chúng mà hãy gợi ý hoặc đưa ra một số tài liệu để cho trẻ tự tìm lấy câu trả lời. Trẻ tự tìm ra được những điều mình băn khoăn qua những hoạt động sẽ giúp trẻ nhớ kiến thức đó rất lâu. Đồng thời nếu có cơ hội hãy cho trẻ vận dụng những hiểu biết của bản thân vào thực tiễn, trẻ sẽ thích thú hơn rất nhiều. Chẳng hạn, khi học về tính chu vi và diện tích các hình chữ nhật, hình thang… hãy cho trẻ được đo đạc, tính toán ngôi nhà, khoảng sân, khu vườn hoặc sân bóng, bể bơi… khi đó trẻ phải tích cực suy nghĩ và tìm ra cách nào thuận lợi nhất. Trẻ thấy những kiến thức mình học rất thiết thực khiến chúng hứng thú và tích cực tự mình khám phá nhiều điều lý thú hơn.
+ Cha mẹ phải hết sức kiên trì
Nêu ra vấn đề để trẻ tập trung suy nghĩ thì cần phải có thời gian, do đó cha mẹ phải hết sức kiên trì. Giao nhiệm vụ hay đưa ra chủ đề để trẻ giải quyết thì không được hối thúc, quát tháo trẻ. Chỉ cho trẻ thấy mọi sự nóng vội, hấp tấp chỉ dẫn đến hỏng việc. Kiên trì trong việc cùng trẻ xác định bản chất vấn đề, lựa chọn phương án và cân nhắc giải pháp thực hiện tối ưu nhất. Đặc biệt, là khi trẻ đưa ra nhiều phương án nhưng lại không giải quyết được vấn đề. Gặp khó khăn thì ai cũng nản chứ không riêng gì trẻ. Trẻ khả năng kiềm chế còn kém nên chúng sẽ bực bội, ức chế vì chưa tìm ra đáp án. Cha mẹ lắng nghe để giúp trẻ bình tĩnh lại, tự suy nghĩ và thực hiện nhiệm vụ của mình. Phụ huynh hãy thấu hiểu và đồng cảm để chia sẻ và cùng trẻ tìm ra được nguyên nhân của sự thất bại. Trẻ sẽ chín chắn và trưởng thành hơn khi tìm ra lý do của những sai lầm để tránh vấp váp sau này.
+ Tạo cơ hội cho trẻ được tranh luận
Tư duy của trẻ luôn được phát triển trong khi trao đổi, tranh luận. Trẻ nào cũng muốn bảo vệ ý kiến của mình. Điều đó bắt buộc chúng phải huy động vốn hiểu biết và ngôn ngữ sao để thuyết phục rằng mình đã đúng. Khuyến khích trẻ hỏi và tìm cách trả lời. Trẻ biết cách đặt và xử lý vấn đề sẽ giúp chúng tự tin hơn vào cuộc sống. Nếu trẻ gặp phải bế tắc ở chỗ nào, cha mẹ hãy cung cấp những kiến thức cần thiết để chúng không buông xuôi, nhưng không quá nhiều như thể bạn đang thay con giải quyết vấn đề. Nội dung tranh luận có thể do người lớn đưa ra nhưng cũng có thể do trẻ nêu lên khi gặp phải những vướng mắc trong học tập.