1. Tại sao phải dạy trẻ kĩ năng tự bảo vệ bản thân?
Tự bảo vệ bản thân là bé tự biết được những nguy hiểm đang đe dọa mình, trong những hoàn cảnh nguy hiểm có thể ứng phó và thoát khỏi những nguy hiểm.
Bé trong độ tuổi từ 4-12 tuổi dễ bị lợi dụng và rơi vào những hoàn cảnh nguy hiểm do các bé chưa thể ý thức được những nguy cơ đe dọa đến mình. Đôi khi bé hành động theo bản năng tò mò, thích khám phá mà đã tự đẩy mình vào hoàn cảnh nguy hiểm.
Trong độ tuổi này mặc dù bé được gia đình và nhà trường bảo vệ, bao bọc nhưng sự bảo vệ đó cũng không thể an toàn tuyệt đối. Vì vậy, chỉ khi chính bé hiểu và biết được cách bảo vệ mình, bé mới có thể an toàn và bố mẹ cũng yên tâm hơn. Do đó, cần dạy cho trẻ cách tự bảo vệ bản thân.
Trẻ có thể gặp những nguy hiểm ngoài phạm vi kiểm soát của bố mẹ
2. Dạy trẻ cách bảo vệ bản thân như thế nào?
Thường xuyên nói chuyện, trao đổi với trẻ
Bố mẹ thường xuyên nói chuyện với trẻ sẽ tao sự thân thiết, niềm tin trong con. Nhờ đó, bé sẽ cởi mở hơn trong việc chia sẻ những gì xảy ra xung quanh mình, giúp bố mẹ có thể phát hiện ra những nguy cơ đang tồn tại quanh con để có biện pháp hợp lí.
Cha mẹ nên đưa ra tình huống giả định và dạy con các ghi nhớ
– Đừng nên tin lời người lạ nói: Dù họ có nói rằng sẽ cho con bất cứ thứ gì, hay đưa con về nhà hoặc nhận là người quen của bố mẹ thì con cũng tuyệt đối không được tin và đi theo. Đặc biệt, không nhận đồ hay quà bánh gì từ những người không quen biết. Bởi rất có thể, đó là “trò dụ” với thuốc mê của họ để bắt cóc trẻ em.
– Khi bị lạc: Cha mẹ nên dặn trẻ rằng nếu xảy ra trường hợp như vậy, con hãy bình tĩnh, không khóc lóc và chạy lung tung. Hãy đứng yên tại đó, cha mẹ sẽ đi tìm. Nếu con bị lạc trong các khu vui chơi hay trung tâm mua sắm đông người, con nên tìm đến các chú bảo vệ mặc áo đồng phục xanh, hoặc các cô bán hàng để nhờ giúp đỡ, chứ không nghe lời của bất cứ người lạ mặt nào mà đi theo.
– Khi chơi bên ngoài: Con tuyệt đối không được đến gần và bắt chuyện với người lạ. Hãy luôn chơi ở những nơi đông người, có nhiều bạn bè, không được tự ý chơi một mình ở chỗ vắng vẻ.
Đưa ra cho bé những quy tắc an toàn, phân tích cho bé hiểu những quy tắc đó
Điều này chỉ thực hiện được khi bố mẹ thân thiết, gần gũi với con cái, bé sẽ có niềm tin và ghi nhớ những lời bố mẹ nói. Do đó, việc thường xuyên trò chuyện với trẻ rất quan trọng.
Khi đưa ra những quy tắc an toàn cho bé, cần phân tích kĩ tác hại của những việc làm sai để bé có thể hiểu được Ví dụ, khi bạn dặn bé không được đi theo người lạ, hãy chỉ rõ cho bé biết động cơ của kẻ xấu khi dụ bé đi,bé có thể gặp những nguy hiểm gì nếu thực sự theo người lạ,…
Trò chuyện với bé, phân tích những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra cho bé
Dùng đóng kịch để giúp trẻ hiểu được tình huống và cách giải quyết các tình huống
Dẫn dắt bé tưởng tượng đến những tình huống nguy hiểm và dạy bé cách ứng xử hợp lí trong những tình huống đó. Nếu bé còn mơ hồ không hiểu, đừng ngại đóng vai để diễn đạt cho bé hiểu. Có thể dựng được những tình huống nguy hiểm có thể xuất hiện đối với trẻ để dạy trẻ ứng phó là cách có hiệu quả nhất giúp bé thoát khỏi những nguy hiểm khi thực sự xảy ra.
Theo các nhà khoa học: Trẻ hiểu được 10% những gì trẻ nghe; 40% những gì nhìn thấy; 60% những gì trẻ nhắc lại (nói) và khoảng 90% những gì trẻ nói và làm. Do vậy, đây có thể coi là cách tốt nhất để trẻ có thể hiểu được những tình huống có thể xảy ra trong thế giới muôn màu cũng như cách xử lý thông minh nhất.
3. Cần dạy trẻ những kỹ năng bảo vệ bản thân nào?
- Kỹ năng an toàn khi chơi với mối nguy hiểm từ một số vật dụng trong gia đình như ổ điện, phích nước, lan can,…
- Kỹ năng tránh bị xâm hại cơ thể từ người lạ hoặc có thể từ chính những người quen biết
Ở Việt Nam, vấn đề cho con tìm hiểu về vấn đề này chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khá nhức nhối trong xã hội hiện nay. Để đảm bảo cho con có những kiến thức cơ bản về vấn đề bảo vệ thân thể cũng như cách phòng tránh khi bị xâm hại cơ thể, cha mẹ cần trang bị cho con những kiến thức cần thiết. Cha mẹ hãy giúp con hiểu được thế nào là hành động xâm phạm thân thể, nếu bị xâm hại cơ thể các con nên ứng xử ra sao.
- Kỹ năng ứng phó khi bị lạc:
Với nhu cầu vui chơi giải trí hiện nay, đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị lạc xảy ra nơi công cộng. Các bậc phụ huynh nên giúp trẻ có những kiến thức ứng xử cần thiết khi bị lạc như: Con nên gọi sự trợ giúp của ai? Nếu gặp người lạ muốn đưa con về con nên làm gì?
Cha mẹ nên dạy con ghi nhớ tên tuổi, số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà. Tuy nhiên khi trẻ đang hoảng sợ chưa chắc trẻ đã nhớ chính xác những thông tin này, vì thế tốt hơn hết nên cho trẻ mang theo mảnh giấy ghi thông tin liên lạc của bố mẹ trong trường hợp khẩn cấp.
- Kỹ năng khi tham gia giao thông
Cha mẹ nên giúp trẻ hiểu được một số loại biển báo cơ bản, một số loại đường cơ bản, một số người có vai trò trong việc điều hành giao thông, cách sang đường cũng như cách đi qua các ngã ba, ngã tư.
- Kỹ năng phòng tránh đuối nước
Mùa hè, các bậc phụ huynh cũng nên dành thời gian đưa con đi học bơi, để con có thể tự cứu mình khi gặp tình huống chẳng may như rơi xuống nước.
Cha mẹ nên dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm trong hỏa hoạn, thoát hiểm khi kẹt thang máy, thoát hiểm khi gặp ẻ xấu.
Ví dụ kỹ năng thoát hiểm hỏa hoạn, cha mẹ cần dạy trẻ một số điều:
- Khi ngửi thấy mùi khét, khói hoặc trông thấy lửa cháy thì các con phải gọi ngay cho các chú lính cứu hỏa. Số điện thoại các chú là 114.
- Nếu bị kẹt trong đám cháy có người lớn bên cạnh, các con phải bình tĩnh làm theo sự chỉ dẫn của người lớn.
- Chỉ cho bé những lối có thể thoát ra ngoài khi có hỏa hoạn. Dặn bé cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt tuyệt đối không chần chừ mang theo đồ đạc hoặc nán lại gọi điện cho cứu hỏa.
Dạy trẻ những kĩ năng cần thiết có thể bảo vệ an toàn cho trẻ tốt hơn song bố mẹ vẫn nên cảnh giác cao độ trước những nguy hiểm có thể đe dọa đến bé ở xung quanh mình để có biện pháp kịp thời. Hãy dành thời gian quan tâm đến bé nhiều hơn vì có rất nhiều trường hợp, những điều không may xảy ra với các bé lại bắt nguồn từ chính các bậc cha mẹ.