Phương pháp giáo dục Montessori mới du nhập vào Việt Nam khoảng chục năm trở lại đây nhưng ngày càng phát triển mạnh. Phương pháp này hiện được nhiều phụ huynh quan tâm khi chọn phương pháp giáo dục và chọn trường cho con. Montessori được đánh giá đem lại hiệu quả cao dành cho các bé trước độ tuổi tiểu học (dưới 6 tuổi).
Vậy, phương pháp Montessori là gì, có gì mới, vượt trội hơn so với phương pháp giáo dục truyền thống và những phương pháp giáo dục khác?
Cùng Làm mẹ tìm hiểu về phương pháp giáo dục sớm này.
|
Kỳ trước: Cô giáo mầm non mách mẹ cách dạy bé học phương pháp Montessori hiệu quả
Theo cô giáo Lê Thanh Hải (20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực mầm non, 3 năm giảng dạy Montessori và từng nhận bằng giáo viên Montessori Quốc tế của Học viện đào tạo giáo viên Montessori Canada) đã chia sẻ ở bài kỳ trước: "Điều thú vị nhất ở Montessori là cho ra một em bé hạnh phúc. Hai từ hạnh phúc là đủ kể cả người lớn hay trẻ nhỏ. Trong Montessori rất linh động, hình ảnh, màu sắc không quá màu mè để trẻ tập trung."
Cô cũng đưa ra lời khuyên: "Các mẹ hãy hướng dẫn, lắng nghe con, để con chịu trách nhiệm với tất cả, với chính cơ thể con và kiên trì giải thích những điều sai của con, không nên chỉ trích."
Vậy bên cạnh việc học ở lớp dưới sự hướng dẫn của cô giáo thì ở nhà, bố mẹ có thể hướng dẫn cho trẻ học tập theo phương pháp này như thế nào?
Xin gợi ý với các vị phụ huynh một số hoạt động đơn giản cha mẹ có thể hướng dẫn con trẻ ngay tại nhà nhằm mục đích phát triển các kĩ năng về tay, chân cũng như trí óc. Đồng thời các bé sẽ hiểu được nguyên lý hoạt động của những đồ vật ở thế giới xung quanh.
Trải và cuộn thảm giúp cho bé rèn luyện các đầu ngón tay linh hoạt. (Ảnh minh họa)
* Dụng cụ
Thảm nhỏ khoảng 60x40
* Thực hiện
Trải thảm: Cầm thảm bằng hai tay, một tay trên một tay dưới theo chiều thẳng đứng. Ngồi quỳ hay ngồi lên hai chân bắt chéo phía sau. Nhẹ nhàng trải thảm lên sàn nhà dùng hai bàn tay để đẩy ra, vừa đẩy vừa vuốt cho thảm được phẳng.
Cuộn thảm: Dùng tay phải bắt đầu tạo nếp gấp khoảng 3cm rồi dùng hai tay cùng cuộn thảm. Khi cuộn nhớ cuộn từ từ sao cho hai đầu cuộn của thảm đều và không bị thừa ra ngoài và cuộn thật chặt cho đến khi cuộn xong. Sau khi cuộn xong nên cầm thảm bằng hai tay theo chiều thẳng đứng và cất về chỗ cũ.
* Mục đích
Phát triển tính kiên trì, phối hợp của mắt và tay, tự chủ, học được cách cuộn. Biết cách làm việc theo trình tự.
Bưng bê đồ vật giúp rèn luyện sự tập trung của mắt và sự nhịp nhàng của tay chân. (Ảnh minh họa)
*Dụng cụ
Khay, một vài đồ vật linh tinh
*Hướng dẫn
Hai tay bưng khay một cách cân bằng, nhẹ nhàng nhấc khay lên sao cho các đồ vật phía trên không bị đổ. Thực hiện động tác một cách thong thả và càng ít tiếng động càng tốt. Bê khay đặt ra một vị trí khác, khi đi nhớ tránh người và đồ vật khác. Khi đặt khay nên nhẹ nhàng để tránh tiếng động.
* Mục đích
Dạy bé phối hợp nhịp nhàng, độc lập và tập trung khi làm việc. Phát triển sự chính xác và chú tâm khi bưng bê đồ vật, đồng thời làm một cách nhẹ nhàng.
Xúc đồ vật yêu cầu trẻ phải khéo léo thả đúng vị trí. (Ảnh minh họa)
* Dụng cụ
Thảm, khay đựng hai bát con và thìa xúc cơm, một bát con đựng hạt đậu, một bát trống.
* Thực hiện
Hướng dẫn trẻ tay phải cầm thìa bằng ba ngón tay: ngón trỏ, ngón giữa và ngón cái. Xúc hạt từ trái qua phải. Chú ý không gây tiếng động. Khi xúc xong mới nhặt các hạt rơi vãi vào bát mình vừa xúc hạt sang.Tiếp tục, xúc chuyển hạt lại vào bát cũ.
* Mục đích
Phát triển tính ngăn nắp, sự tập trung, kỹ năng vận động khéo léo của cổ tay và các ngón tay, cơ tay chuẩn bị cho khâu cầm bút. Phối hợp giữa tay và mắt. Cho bé tập khái niệm từ trái qua phải.
Trẻ học được cách ước chừng lượng nước vừa đủ cho 1 cốc. (Ảnh minh họa)
* Dụng cụ
Khay, hai bình rót nước, khăn lau
* Hướng dẫn
Bình có nước được để phía trái của bình không có nước. Hai vòi đặt đối diện nhau. Hướng dẫn trẻ tay phải cầm bình nước bằng các ngón tay chủ đạo. Các ngón tay trái đỡ dưới vòi nước.
Bắt đầu rót nước từ từ, chầm chậm sang bình trống, không có nước. Chú ý sao cho vòi nước không chạm vào miệng bình kia.
Khi đã rót xong đặt lại bình về chỗ cũ, lấy khăn thấm nước bắn ra ngoài.
Để hoàn thành, rót lại nước về bình ban đầu và nhớ thấm nước sau khi rót xong.
Tắm cho thú bông là hoạt động được rất nhiều bé yêu thích và thúc đẩy sự rèn luyện của tay và mắt. (Ảnh minh họa)
* Dụng cụ
Gấu bông hoặc búp bê; Xà phòng giặt; Chậu tắm nhỏ (hoặc chiếc giỏ nhựa); Nước; Sữa tắm
* Hướng dẫn:
- Cho một chút sữa tắm vào chậu tắm và hòa tan sữa tắm cho đến khi có bong bóng nổi lên.
- Đặt chú gấu bông vào chậu tắm.
- Dạy bé cách tắm cho gấu bông: chà nhẹ nhàng từ phía đầu cho đến cổ và các chân tay. Vắt sạch nước sau khi đã tắm xong.
- Cho bé thử tắm cho gấu bông.
Mở và đóng khóa có thể sẽ gây khó khăn cho bé thời điểm lúc đầu nhưng lâu dần bé sẽ thích. (Ảnh minh họa)
* Dụng cụ:
1 ổ khóa và vài chiếc chìa khóa khác nhau
* Hướng dẫn:
Chỉ cho con bạn cách lựa chọn chiếc chìa khóa phù hợp và tra vào ổ để mở. Khuyến khích bé thực hiện.
Tương tự với cách đóng khóa lại.