Trẻ sẽ trở nên tự tin và chủ động trong học tập nếu như cha mẹ có phương pháp giáo dục phù hợp
Những đứa trẻ hình thành tư duy sáng tạo và phản biện từ sớm sẽ có được sự phát triển toàn diện hơn về cả kỹ năng, kiến thức, tư duy và nhân cách.
Tư duy sáng tạo là khả năng tạo ra những ý tưởng độc đáo, hữu ích. Và ngay từ khi sinh ra, mỗi đứa trẻ đều đã là những cá thể riêng biệt với sức sáng tạo tiềm ẩn. Trẻ sẽ trở nên thành công và hạnh phúc nếu được tôn trọng những ý kiến và quan điểm riêng. Kỹ năng tư duy phản biện thể hiện qua cách giải thích vấn đề, cách trẻ bảo vệ quan điểm cá nhân và tranh biện. Trẻ hình thành tư duy phản biện sẽ có khả năng phân tích, đánh giá thông tin theo cách nhìn khác hơn và làm chủ được kiến thức của mình.
Các bạn nhỏ vui vẻ và hào hứng khi được chia sẻ những ý tưởng khác biệt của chính mình
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các bậc phụ huynh vẫn chưa thực sự có cái nhìn đúng về cách con trẻ phản biện, cho rằng đó là hành động trẻ “cãi người lớn”. Và khi trẻ con lên tiếng đặt câu hỏi, người lớn có xu hướng gạt đi hoặc cảm thấy phiền phức. Lối mòn tư duy cứ thế hằn sâu khi người lớn dùng những khuôn mẫu để dạy trẻ khiến khả năng sáng tạo ngày một hạn chế.
Cha mẹ mong muốn lựa chọn điều tốt cho con - đó là lẽ thường tình, nhưng mặc quyền thay con định đoạt mọi vấn đề thì lại là vấn đề có ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển về sau này của con trẻ.
Lời khuyên nào cho cha mẹ?
Bớt quan trọng hóa điểm số và thành tích
“Điểm số không định nghĩa nên một con người”. Thay vì chỉ tập trung vào kết quả học tập, hãy truyền cho trẻ bài học về giá trị bản thân từ cách chúng ta đánh giá cao thái độ, nỗ lực và thế mạnh của trẻ.
Cha mẹ cần hiểu rằng, mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt và việc gò ép con đi theo con đường của người khác không có nghĩa con cũng sẽ có được thành công giống hình mẫu cha mẹ đang theo đuổi. Đừng sống sống thay cuộc đời của con, ép con phải mặc chiếc áo quá rộng so với năng lực của mình.
Lắng nghe và tin tưởng khi trẻ lên tiếng
Trẻ con thường có những suy nghĩ lạ, những ước mơ thường bị cho là “viển vông”, nhưng đó là bức tranh khắc họa chính xác nhất trí tưởng tượng và tư duy sáng tạo của con trẻ.
“The world is our classroom, our books are the people, the lands, the animals - and our teacher? It can be anyone… Everyone and anyone is capable of teaching us something in life…”. (Tạm dịch: Thế giới là lớp học, tri thức nằm ở con người, đất đai, sinh vật. Còn giáo viên của em? Đó có thể là bất cứ ai…). Đây là điều mà em Nguyễn Trần Bảo Ngọc (14 tuổi) tâm sự về hình ảnh người giáo viên mơ ước của mình trong cuộc thi tiếng Anh G.E.M - một sân chơi thú vị tạo cơ hội cho các em học sinh vẽ nên mọi ý tưởng sáng tạo.
Nếu là người lớn, liệu chúng ta có bao giờ thả tâm trí để nghĩ được những điều như các em nhỏ, hay chỉ đóng khung tư tưởng về một người giáo viên đứng trên bục giảng, dạy học trò kiến thức từ sách vở?
Cha mẹ nên tạo môi trường để các em có thể cất lên tiếng nói trước những vấn đề liên quan tới mình, được thể hiện quan điểm với sự ghi nhận một cách nghiêm túc. Đứa trẻ sống dưới mái nhà nơi mà ý kiến của chúng được tôn trọng sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc, hình thành nên nhân cách tốt và thúc đẩy sự sáng tạo, giúp con sớm tự lập.
Đừng quên đồng hành và khuyến khích con những hoạt động bổ ích giúp gợi mở tư duy
Thay vì “cầm tay chỉ việc”, hướng con trẻ đi theo một con đường có sẵn, hãy để các con tự xây dựng và khám phá nên con đường riêng. Cha mẹ có vai trò định hướng và khích lệ để con trẻ phát triển một cách tự nhiên nhất.
Khi trẻ nhỏ cất lên ý tưởng, hãy cùng đặt ra những câu hỏi với con, tìm ra những cách để khuyến khích con theo đuổi và biến chúng thành hiện thực.